Xử lý truyền thông trong thời kỳ kỹ thuật số: Biến “nguy” thành “cơ”

Đăng bởi thuhuyen | Danh mục Tin tức sự kiện | 09/11/2015

(Vietnam+) Bản in

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+)

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mỗi thương hiệu hay doanh nghiệp luôn có những nguy cơ tiềm ẩn và đối mặt với khủng hoảng truyền thông gây nên làn sóng tiêu cực dẫn đến doanh nghiệp bị mất uy tín, giảm niềm tin từ khách hàng hoặc đứng trước nguy cơ phá sản hay bị nhấn chìm vĩnh viễn. Tuy nhiên, nếu khủng hoảng được xử lý tốt, sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp xây dựng uy tín của mình trong kinh doanh.

Chính vì vậy, tại hội thảo “Đăng tải thông tin kinh tế trong kỷ nguyên kỹ thuật số” do Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Cục Báo chí và hãng tin Reuters tổ chức ngày 6/11 ở Hà Nội, đa số các diễn giả doanh nghiệp đều cho rằng, khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, các cá nhân, tổ chức cần xác định tầm vóc và mức độ khủng hoảng, xác định nguyên nhân, thành lập ban tác chiến; xác định người phát ngôn, hướng phát ngôn, số lượng thông tin phát ngôn và tuân thủ tuyệt đối kỷ luật phát ngôn.

Chân thật, thẳng thắn

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LiênVietPostBank) là người luôn gắn bó với báo chí và ông cũng là một nhà báo không chuyên ở một số tờ báo chuyên về kinh tế chia sẻ, bất cứ thời kỳ nào thì doanh nghiệp đều cần truyền thông và báo chí là một phần không thể thiếu.

Tuy nhiên, theo ông Hưởng, trong thời kỳ kỹ thuật số như hiện nay thì thông tin quá đa chiều kèm theo nhiều xảo thuật PR kinh doanh nên nhiều thông tin đã bị biến tấu, bóp méo để ​phục vụ lợi ích cá nhân. Chính vì vậy, mỗi tờ báo cần phải có một thương hiệu riêng, một tôn chỉ riêng để thu hút người đọc.

Cũng theo lãnh đạo của LienVietPostBank, các báo cũng phải học tập những phương châm, tôn chỉ của các bạn ở hãng tin Reuters là cung cấp cho bạn đọc những thông tin cập nhật toàn cầu với tinh thần độc lập, chính trực và tự do.

Ông Hưởng cũng thẳng thắn chia sẻ, LienVietPostBank luôn ​thực hiện phương châm: “Công khai là bí mật, đổi mới chân thật là PR.”

Lãnh đạo ngân hàng này đưa ra ví dụ, một giám đốc chi nhánh bị bắt, không làm như những doanh nghiệp khác là xin gỡ bài xuống, LienVietPostBank đã chủ động cung cấp thêm thông tin để người đọc hiểu rõ hơn.

Ông Hưởng cũng nhấn mạnh: “Bí quyết của chúng tôi là không có bí quyết gì vì tôi quan niệm mỗi người ở một tầm khác nhau nên xử lý công việc khác nhau và mỗi người sẽ có thành công khác nhau. Chính vì vậy, không nên sợ lộ bí quyết.”

“Cốt lõi, theo tôi vẫn xuất phát từ cái tâm chân thật và đạo đức nghề nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng nhất đối với bất cứ nhà báo, doanh nghiệp nào,” ông Hưởng nhấn mạnh thêm.

Ông Nguyễn Đức Hưởng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Dẫn dắt vấn đề khá hài hước và dễ hiểu, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Marketing Công ty UNIBEN (chuyên kinh doanh các loại gia vị, mỳ ăn liền) cho biết, đã qua từ lâu cách thức thông tin một chiều, ngày nay báo chí Việt Nam đã áp dụng và ngày càng phát huy yếu tố hai chiều trong truyền thông. Tính tương tác chỉ có thể thiết lập khi có sự chủ động của hai và thậm chí nhiều hơn hai phía.

Xác định được điều đó, UNIBEN đã áp dụng đồng thời nhiều biện pháp, đó là tăng cường tính thông tin và mở rộng cách thức liên hệ với doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết thông qua tất cả các kênh truyền thông của doanh nghiệp như: website, hotline, bao bì sản phẩm, tờ giới thiệu thông tin chương trình khuyến mại v.v…

Ngoài ra, UNIBEN cũng luôn chủ động liên hệ với các cơ quan báo chí để chia sẻ kiến thức chuyên môn, thông tin mang tính xác thực (trong trường hợp cần thiết) để giúp cho công tác xử lý thông tin của các báo được diễn ra nhanh chóng.

Ông Luân cũng nhấn mạnh đến sự minh bạch trong thông tin, sự minh bạch chính là yếu tố quan trọng nhất trong công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và báo chí.

​Ông Luân cho biết, UNIBEN luôn trao cho những cán bộ truyền thông ngọn lửa của niềm tin vào quan điểm: trách nhiệm trong mọi hoạt động, chính trực trong thông tin, cộng tác trong công tác phối hợp và luôn đề cao quyền lợi của khách hàng – đó chính là người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm của UNIBEN.

Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân (người đứng thứ nhất từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Biến “nguy” thành “cơ”

Trao đổi bên hàng lang cuộc hội thảo, một lãnh đạo doanh nghiệp chỉ ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp thường lúng túng khi khủng hoảng truyền thông xảy ra. Do không có sự chuẩn bị nhân sự, thông tin nên khi khủng hoảng truyền thông, doanh nghiệp thường chọn cách im lặng, né tránh hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ cho báo chí.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau nhưng khi về làm Giám đốc truyền thông cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Trần Tuấn Việt đã gặp phải một cuộc khủng hoảng hy hữu và lúc đó nếu không có sự nhanh nhạy thì hậu quả rất khó lường.

Ông Việt chia sẻ, hồi giữa tháng Ba, thành phố Hà Nội có chiến dịch chặt bỏ cây lâu năm, già cỗi để thay thế những cây mới, người dân xót xa vì chỉ sau một đêm đã có hơn 1.000 cây xanh bị chặt bỏ. Chính vì vậy có thông tin là VPBank nôn nóng tài trợ để chặt cây.

“Chúng tôi chưa bao giờ gặp tình huống như vậy. Lúc đó toàn bộ truyền thông quay lưng với lại với VPBBank, thậm chí còn có một trang tẩy chay VPBank được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Thậm chí các giám đốc chi nhánh gọi điện về báo có khách hàng đăng ký rút tiền tiết kiệm. Thực sự lúc đó chúng tôi rất hoang mang,” ông Việt nhớ lại.

Ông Trần Tuấn Việt phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Ông Việt chia sẻ thêm, nếu như bình thường, chúng tôi sẽ phải chỉ định người phát ngôn của ngân hàng, gửi thông cáo báo chí cho các báo và đợi họ đăng tin cải chính.

Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi đã không làm như vậy mà xin ủy quyền qua điện thoại để tôi được là người phát ngôn chính thức của ngân hàng. Tôi chấp nhận trả lời phỏng vấn qua điện thoại mà không cần thông cáo báo chí, thậm chí nghe tất cả các cuộc điện thoại gọi đến. Ngoài ra, chúng tôi huy động khoảng 400 người trong ngân hàng trực tiếp chat với các admin của các mạng xã hội phát tán hai bài báo đã đăng thông chính xác lúc đó.

Rất may là sau đó, các admin đều đã hiểu và họ không đưa lên những thông tin bất lợi, lúc này thì các báo đã bắt đầu vào cuộc thanh minh cho các nhà tài trợ, trong đó có VPBank. Chúng tôi tự hào trong 4 nhà tài trợ lúc đó thì VPBank là đơn vị có phản ứng nhanh nhất và hiệu quả nhất./.

Bình luận

Bình luận đã bị đóng.