Thành công không nằm ở kỹ năng!

Đăng bởi thuhuyen | Danh mục Tin tức sự kiện | 27/10/2014

Chúng ta ai cũng muốn trở nên thành công hơn. Nhưng tất cả những gì chúng ta đọc để đi tìm chìa khóa dẫn đến thành công có vẻ như là chỉ có cách là làm việc thật nhiều. Nhưng có một phương pháp đã được khoa học chứng minh cho thấy thành công không nằm ở kỹ năng hay sự cần cù chăm chỉ, mà là hạnh phúc. Người đã chứng minh được điều đó là Shawn Achor, tác giả của cuốn sách đang bán chạy “The Happiness Advantage” (tạm dịch: Cái lợi của hạnh phúc). Những năm trải qua ở trường Harvard, ông chỉ nghiên cứu mỗi một thứ: Hạnh phúc.

Điều gì khiến cho công trình nghiên cứu của Shawn trở nên đặc biệt? Đó là thay vì loại ra những ai được xem là cá biệt, “lập dị” trong cơ sở dữ liệu, ông lại cố tình nghiên cứu họ. Ông tìm hiểu tại sao mặc dù toàn đội ngũ bán hàng đều có doanh số bán thấp nhưng vẫn có 3-4 người có doanh số bán cao chót vót. Hoặc là khi nhìn vào một trường kinh tế xã hội ở Chicago, hệ số điểm đều ở dưới mức trung bình, nhưng vẫn có một số sinh viên có số điểm cao đáng chú ý.

Bằng cách nghiên cứu những trường hợp ngoại lệ này, Shawn đã phát hiện ra rằng con người có thể làm những thứ để khiến mình trở nên hạnh phúc hơn và một khi hạnh phúc hơn, sẽ khiến cho chúng ta trở nên thành công hơn. Nghiên cứu của Shawn đã đúc kết ra một số điều quan trọng:

1. Thành công không mang lại hạnh phúc, mà là ngược lại

Ai cũng nghĩ rằng một người sẽ cảm thấy thực sự hạnh phúc khi được đề bạt lên vị trí cao hơn, hoặc khi được tăng lương… Thế nhưng, nghiên cứu của Shawn cho thấy điều đó không đúng. Một khi đạt được mục tiêu, họ chỉ cảm thấy hạnh phúc trong phút chốc và rồi sau đó sẽ chuyển sang một mục tiêu lớn khác. Trong khi đó, một người làm việc vì niềm vui, thì cuối cùng lại thành công hơn.

Công ty MET Life, sau khi nhìn thấy kết quả bất ngờ này trong số những nhân viên kinh doanh có tinh thần hạnh phúc, đã thực hiện một cuộc thử nghiệm: họ bắt đầu tuyển dụng nhân viên bán hành dựa trên tinh thần lạc quan của người đó. Kết quả là nhóm lạc quan bán nhiều hơn nhóm bi quan tới 19% trong năm thứ nhất và hơn 57% trong năm thứ hai.

Tại sao lại như thế? Shawn cho biết đó là vì trí thông minh và trình độ chuyên môn chỉ dự đoán được 25% mức độ thành công trong công việc. 75% mức độ thành công còn lại dựa vào thái độ lạc quan, mối quan hệ xã hội và cách người đó cảm nhận vấn đề sức ép, căng thẳng như thế nào.

2. Xem các vấn đề nảy sinh như là thách thức, không phải mối đe dọa

Shawn đã làm một cuộc nghiên cứu các nhà điều hành ngân hàng ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra vào năm 2008. Hầu hết các nhà điều hành này đều bị căng thẳng dữ dội. Nhưng một số vẫn vui vẻ và kiên cường. Những nhà lãnh đạo này có điểm gì chung? Đó là bởi họ không xem vấn đề là các mối đe dọa mà xem đó là thách thức cần phải vượt qua.

Theo Shawn, không phải là vì những người này có khí chất khác biệt mà là do họ đã học được. Ông đã thực hiện một cuộc thử nghiệm: cho các nhà điều hành ngân hàng xem một đoạn video giải thích cách làm thế nào để xem căng thẳng, sức ép như một thách thức và kết quả là ông đã giúp biến những nhà điều hành đang rầu rĩ trở thành những người lạc quan và tích cực.

Shawn đã quan sát nhóm người này trong 3-6 tuần tiếp theo và thấy nếu khuyến khích họ xem căng thẳng như một thách thức mới lạ thì các triệu chứng liên quan đến căng thẳng giảm tới 23%. Không chỉ vậy, mức độ hạnh phúc của nhóm người này cũng tăng cao và quan trọng hơn là mức độ hăng say với công việc cũng tăng lên đáng kể.

3. Lượng công việc nhiều gấp 2 lần có nghĩa là bạn cần bạn bè nhiều như thế

Trong thời gian còn làm giám thị ở trường Harvard, Shawn đã giúp các sinh viên năm nhất thích ứng với môi trường cạnh tranh và căng thẳng. Nhiều sinh viên đã đối phó với lượng bài vở dày đặc bằng cách xem thư viện là nhà và thậm chí ăn uống ngay trên giường để tranh thủ thời gian học hành. Liệu các sinh viên này có học tốt hơn? Không hề, ngược lại, họ còn bị đuối sức. Một số không chịu nổi sức ép đã xin chuyển trường.

Shawn cho biết những sinh viên này đã vô tình cắt đứt đi nguồn sống quan trọng nhất: hạnh phúc. Đây là lý do khiến họ không chịu nổi sức ép trong môi trường đại học. Trong khi đó, những người vượt qua được sức ép lại là những người đã tăng được mức độ kết nối xã hội.

Điều này tương tự trong công việc. Theo ông, muốn xả stress, tăng hiệu quả làm việc, chỉ cần tăng mức độ kết nối xã hội. Tuy nhiên, không chỉ tìm kiếm các mối quan hệ xã hội mà điều quan trọng hơn là hãy mang điều đó đến cho những người khác, vì việc cho sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cả việc nhận. Từ sau nghiên cứu của ông với các sinh viên trường Harvard, Shawn đã đi tư vấn cho 1/3 số công ty trong danh sách Fortune 100 và cũng thấy mang lại hiệu quả tương tự. Đó là bởi vì hạnh phúc khiến cho sức ép công việc trở nên nhẹ nhàng hơn.

4. Gửi email “Cảm ơn” vào mỗi sáng

Bạn có thể cho rằng hạnh phúc chỉ đến khi giành được một hợp đồng lớn, hay đạt một thành tựu lớn lao gì đó. Thế nhưng, bạn đã sai. Nghiên cứu cho thấy những điều nhỏ nhặt lại quan trọng hơn thế.

Theo Shawn, để tìm cảm giác vui vẻ hạnh phúc, không ít người chọn đi nghỉ mát, nhưng thay vì thế, hãy làm những thứ nhỏ nhặt và thường xuyên để phát triển chúng thành thói quen giống như là đánh răng mỗi ngày vậy. Vì những thói quen này sẽ tạo cho bạn hạnh phúc lớn qua thời gian. Điều đơn giản nhất có thể làm ngay là bỏ ra chỉ 2 phút để viết một email nói lời cảm ơn hoặc khen ngợi một người nào đó.

“Chúng tôi đã làm điều này ở Facebook, US Foods cũng như ở Microsoft. Chúng tôi yêu cầu họ viết email ca ngợi hoặc cảm ơn một người mà họ biết và mỗi ngày lại viết cho mỗi người khác nhau trong 21 ngày liên tiếp. Điều mà chúng tôi khám phá ra là điều đó đã làm tăng mức độ kết nối xã hội của họ, vốn là nguồn mang lại hạnh phúc lớn nhất trong các tổ chức. Nó cũng cải thiện được tinh thần làm việc theo nhóm. Chúng tôi đã đo chỉ số IQ tổng cộng của các nhóm và cả số năm kinh nghiệm của nhóm nhưng cả hai chỉ số này đều bị bỏ xa bởi yếu tố kết nối xã hội”, Shawn cho biết.

5. Sử dụng quy tắc 20 giây

Điều gì khiến bạn không muốn thực hiện các thay đổi mà bạn biết mình nên làm? Shawn cho rằng đó là yếu tố “năng lượng kích hoạt”, tức là phần năng lượng bạn cần lúc ban đầu để “tự nhấc mông mình ra khỏi ghế và đi vào phòng tập thể dục”.

Theo Shawn, hãy tạo ra thói quen mới: chỉ mất tối đa 20 giây là có thể khởi động một việc gì đó. Không chỉ áp dụng trong việc tập thể dục, nguyên tắc 20 giây này cũng có thể áp dụng vào cách bạn xử lý công việc hằng ngày. Một khi đã trở thành thói quen thì cách bạn xử lý mọi thứ cũng năng động và nhanh chóng hơn

(Theo Business Insider) 

Bình luận

Bình luận đã bị đóng.