Nếu mỗi thương hiệu là một đứa trẻ thì Quảng trường Thời đại có thể được coi là công viên Disneyland trong thế giới của quản trị thương hiệu. Được thắp sáng bởi các biển quảng cáo tấm lớn, Quảng trường Thời đại nằm ở khu vực trung tâm Manhattan, New York, là một ngã tư thương mại, trung tâm văn hoá và điểm đến du lịch, được ca ngợi với những biệt danh hoa mỹ như “trung tâm của vũ trụ”, “vạch sang đường của thế giới”, và “trái tim của thế giới”.
Đây cũng là nơi diễn ra các sự kiện lớn của người dân New York, nổi tiếng nhất là lễ hội đón năm mới thu hút khoảng một triệu người đến tham dự, với kỷ lục là hai triệu người vào đêm giao thừa ngày 31/12/1999. Vào 02/2009, thị trưởng thành phố New York lúc ấy là Michael Bloomberg đã ra quyết định trưng dụng một phần những con đường dẫn đến quảng trường để thử nghiệm dự án “phố đi bộ”, và một năm sau, dự án này thành chính thức trở thành một phần đặc trưng không thể thiếu của thành phố New York.
Khỏi phải nói vì sao những biển quảng cáo tấm lớn ở Quảng trường Thời đại là vị trí mơ ước của mọi thương hiệu. Chưa kể các content quay lại quảng trường với các tấm biển quảng cáo được đăng tải và chia sẻ khắp nơi, lưu lượng khổng lồ người đi bộ với mục đích chủ yếu là ngắm cảnh, và ngắm…luôn cả biển quảng cáo thậm chí cũng chỉ là phần kem trang trí. Miếng bánh thật sự là lời khẳng định cho vị thế thương hiệu tầm cỡ đỉnh cao. Người ta có thể lờ đi bất kì quảng cáo nào, nhưng họ sẽ trả rất nhiều tiền và thời gian chỉ để ngắm các thương hiệu ở Times square. Chẳng vì thế mà giá quảng cáo ở đây có giá dao động từ $5000, đến $50,000 cho một ngày, và $3 triệu đô la Mỹ một năm cho tấm biển lớn nhất.
Mô hình phố đi bộ xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Copenhagen (Đan Mạch), Paris (Pháp), London (Anh). Ở Việt Nam , ngã tư Tràng Tiền – Hai Bà Trưng tại Hà Nội, trung tâm của khu vực phố đi bộ, cũng là một địa điểm mang những tính chất thương mại, văn hoá và giải trí hiện đại tương tự như Quảng trường Thời đại, dù vẫn giữ những khí chất Á Đông, những hoài niệm về một Đông Dương rêu phong, khiến bất cứ thương hiệu nào xuất hiện giữa một tối thứ Bảy mùa hè trước đôi mắt của những những người đi dạo, có một phong vị quyện hoà với văn hoá, xã hội và người tiêu dùng Việt Nam.