Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khuyên nhân viên nếu muốn giàu có, đừng chăm chăm đòi tăng lương

Đăng bởi thuhuyen | Danh mục Tin tức sự kiện | 26/05/2016

“Các bạn rất lầm khi đòi tăng lương lúc phải làm thêm giờ. Các bạn phải hiểu rằng, các bạn đang sống cho một sứ mạng vẻ vang. Mỗi giờ các bạn làm là các bạn đã làm một công việc giá trị cho thế giới này”, ông Trương Gia Bình thuật lại lời của CEO Infosys.

Để phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam, cần hiểu rằng căn cơ người Việt vẫn trọng nhất là cái “Tình”. Vì vậy, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT – khuyên rằng:Người lãnh đạo nên quản trị bằng “cái Tình” nhiều hơn “Lý”, hơn “Tiền”.

“Phải coi công việc đang làm là làm việc cho gia đình mình. Tất nhiên, nếu không có một lý do đáng nói thì không ai làm việc hết lòng, không ai coi công ty như gia đình”, ông Bình nói tại sự kiện ‘Một ngày học MBA với PGS. TS Trương Gia Bình’ của FSB.

Ông Bình kể, trong một sự kiện gặp gỡ thành viên của Câu lạc bộ Founder’s Mentality có sự tham dự của Michael Dell – Founder kiêm CEO của Dell – ở Davos, quá trình “lão hóa” của một doanh nghiệp cũng được đặt ra. Và thực tế là trong ngành công nghệ, Compact đã trải qua đủ quá trình sinh – lão – bệnh – tử.

Các trao đổi trong cuộc gặp này cũng đúc kết ra rằng, để doanh nghiệp phát triển trường tồn, người lãnh đạo cần có 3 yếu tố, mà yếu tố đầu tiên là Khát vọng cháy bỏng. Và khát vọng này phải truyền được cho cấp dưới.

Ông Bình cũng chia sẻ câu chuyện về truyền đạt khát vọng của mình xuống nhân viên cấp dưới của Tổng Giám đốc Infosys.

Vị CEO này thường nói với cấp dưới rằng: “Các bạn rất lầm khi đòi tăng lương lúc phải làm thêm giờ. Các bạn phải hiểu rằng, các bạn đang sống cho một sứ mạng vẻ vang. Mỗi giờ các bạn làm là các bạn đã làm một công việc giá trị cho thế giới này. Và càng làm được bao nhiêu, các bạn càng trưởng thành bấy nhiêu. Infosys đã đem lại cho các bạn cơ hội, và các bạn đang khai thác cơ hội đó”.

Ông Bình cho biết: Sự thực là ai làm như lời vị CEO kia nói sau này đều thành triệu phú. Còn những đối tượng chăm chăm đòi tăng lương về sau đều không thành công.

Yếu tố thứ 2 cần có ở người lãnh đạo là Ám ảnh khách hàng. “Chỉ “yêu” nhau mới ám ảnh được nhau. Khi bị ám ảnh bởi khách hàng, chúng ta sẽ hiểu rõ khách hàng và biết mình muốn làm gì cho khách hàng”, ông Bình lý giải.

Yếu tố thứ 3 cần có là Tư duy người chủ. Người chủ phải coi công việc đang làm là làm việc cho gia đình mình.

“Bản thân tôi đi máy bay với tư cách người của FPT thì đều đi hạng vé phổ thông (Economy), khi về thấy cả tầng còn sáng thì đi tắt đèn từng phòng, vì tôi coi công ty quý giá như gia đình. Tôi muốn FPT sau này làm những việc to lớn cho đất nước, và nó phải sống thọ hơn tôi nhiều lần”, ông Bình tâm sự.

Nếu các nhà lãnh đạo không quản trị công ty bằng những yếu tố trên, khi công ty phát triển đến quy mô lớn, dù có tầng tầng lớp lớp kiểm soát cũng nảy sinh thất thoát, tiêu cực, ông Bình đúc kết.

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ

Bình luận

Bình luận đã bị đóng.