(TBKTSG Online) – Thị phần vận tải hành khách năm 2014 đang có sự dịch chuyển rõ rệt từ đường bộ, đường sắt sang đường hàng không. Trong khi các hãng hàng không liên tục mở các đường bay nội địa mới thì lượng người đi tàu ngày càng giảm.
Hàng không lên ngôi
Hôm 31-12-2014, hãng hàng không giá rẻ VietJetAir tiếp tục nhận thêm chiếc máy bay thứ 20 để phục vụ cho dịp tết và mở các đường bay mới.
Năm 2014, các hãng hàng không dồn dập mở các đường bay mới, đặc biệt là 2 hãng giá rẻ Jetstar Pacific và VietJetAir. Các đường bay như TPHCM – Thanh Hóa, TPHCM – Huế, TPHCM – Quy Nhơn, Hà Nội – Phú Quốc… trước đây chỉ có một mình Vietnam Airlines khai thác thì năm 2014 các đường bay này đều có sự tham gia của Jetstar Pacific và VietJetAir.
Mới đây, hãng Jetstar Pacific đã công bố mở liền 5 đường bay vào quí 1-2015, trong đó có 4 đường bay mở vào những ngày cao điểm giáp tết gồm TPHCM – Quy Nhơn, TPHCM – Đồng Hới (mở ngày 1-2-2015, tức ngày 13-12 âm lịch), đường bay Buôn Ma Thuột – Hải Phòng khai thác từ 2-2-2015 (tức 14-12 âm lịch), đường bay Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột khai thác từ 3-2-2015 (tức 15-12 âm lịch).
Đến nay, 10 thành phố lớn của Việt Nam đều có 3 hãng là Vietnam Airlines, VietJetAir và Jetstar Pacific phục vụ. Theo đánh giá của Cục hàng không Việt Nam, năm 2014 là năm thị trường nội địa có sự cạnh tranh quyết liệt, các hãng hàng không liên tục đưa ra các chương trình giảm giá vé để thu hút hành khách.
Đây cũng là năm thị trường hàng không nội địa có sự tăng trưởng cao hơn dự kiến của ngành hàng không, đạt 17,5 triệu khách, tăng 20,5% so năm 2013.
Đường sắt thất thế
Trong khi hàng không gia tăng nhanh chóng các đường bay và lượng hành khách đi máy bay ngày càng nhiều thị lượng khách đi tàu và xe khách đường dài đang giảm. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thừa nhận rằng lượng hành khách đi tàu đang giảm do sự phát triển của hàng không.
Và điều này đã thấy rõ từ năm 2013 khi lượng hành khách đi tàu đường dài giảm rất mạnh. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chỉ ra rằng, vé tàu giường nằm từ Hà Nội – TPHCM là 1,9 triệu đồng, còn vé máy bay giá rẻ chỉ khoảng 1,2 triệu đồng; đi máy bay chỉ mất khoảng 3-4 giờ, còn đi tàu mất đến 30 giờ thì chắc chắn người dân sẽ chọn đi máy bay giá rẻ.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng cảnh báo khi các tuyến đường cao tốc như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng hoàn thành và đưa vào khai thác thì người dân sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn và ngành đường sắt còn bị cạnh tranh quyết liệt hơn nếu không đổi mới giảm giá vé và cải thiện chất lượng dịch vụ.
Đúng như cảnh báo của ông Thăng, kể từ khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai thông xe ngày 21-9-2014, lượng hành khách đi tàu trên tuyến Hà Nội – Lào Cai đã giảm từ 15 đến 20% so với trước khi có đường cao tốc.
Chính lãnh đạo ngành đường sắt cũng thừa nhận do lạc hậu về công tác bán vé, dịch vụ trên tàu còn nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng yếu kém, tàu thường chậm giờ và đặc biệt, giá vé lại không rẻ hơn so với các loại hình vận tải khác, nên lượng hành khách đi tàu đang bị sụt giảm.
Để thu hút hành khách, trong năm 2014 ngành đường sắt cũng liên tiếp giảm giá vé trên nhiều tuyến, mức giảm thậm chí tới 50% đối với hành khách đi tàu cự ly dài trên 1.300 km và mua vé trước 2 tháng. Từ ngày 1-1-2015, ngành đường sắt cũng giảm 10% giá vé cho hành khách đi tàu.
Đối với đường bộ, lượng hành khách đi xe đường dài tuyến Hà Nội – TPHCM giảm đáng kể, trừ dịp tết. Một lái xe đường dài của nhà xe An Sinh chạy tuyến TPHCM – Hải Dương cho biết, chỉ trừ dịp tết, những ngày thường lượng khách đi xe đường dài sụt giảm nhiều so với trước đây. Về nguyên nhân lái xe này cho hay, do hiện nay vé máy bay giá rẻ chênh lệch không nhiều so với vé xe, trong khi đi máy bay chỉ mất 2 giờ còn đi xe phải mất hơn một ngày, do vậy hành khách dần chuyển sang đi máy bay.
Theo thống kê của Bộ GTVT, cơ cấu vận tải hành khách hiện nay đường bộ vẫn chiếm nhiều nhất với 95,75%; đường sắt chiếm 1,14% ; hàng không 2,05%; đường thủy nội địa chiếm 0,19%; hàng hải chiếm 0,01%.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cơ cấu này là bất hợp lý, do vậy cần giảm cơ cấu vận tải hành khách bằng đường bộ xuống còn 93,23%; đường sắt tăng lên 3,4%; hàng không tăng lên 3,23%; đường thủy nội địa 0,17%; hàng hải 0,07%.
Nhìn vào cơ cấu vận tải hiện nay có thể thấy mục đích giảm thị phần vận tải đường bộ của ngành giao thông có thể đạt được, song việc tăng thị phần cho đường sắt lại có nguy cơ thất bại do sự trì trệ và yếu kém của chính ngành vận tải đường sắt.
Khi chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá cả hành khách chắc chắn sẽ chọn loại hình vận tải vừa nhanh, giá cả phù hợp, điều này đã thấy rõ ở tình hình vận tải hành khách năm 2014 khi hàng không lên ngôi còn đường sắt thất thế.